Đánh thuế nhà đất là biện pháp căn cơ nhất để ngăn cơn sốt đất

Một số chuyên gia trong ngành thừa nhận, sốt đất vẫn lặp lại, thị trường chưa xử lý triệt để được chuyện sốt đất, mặc dù có nhiều biện pháp xử lý cùng lúc.

Thế nhưng, GS Đặng Hùng Võ khẳng định tại toạ đàm do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức mới đây “biện pháp căn cơ nhất là đánh thuế nhà đất thì chưa bao giờ được áp dụng, làm sao mà hạ được sốt giá đất”.

Vẫn liên tục bày tỏ quan điểm về vấn đề này suốt những năm qua, mà theo vị GS lớn tuổi này, đã hơn 10 năm nói về câu chuyện thuế bất động sản.

“Tôi đã nói 10 năm nay rồi, nhưng chưa bao giờ áp dụng. Trước hết, thuế BĐS sẽ chặn sốt đất, ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ bất động sản (bao gồm cả đất đai) dưới dạng có bất động sản nhưng để hoang hóa, giữ đất nhưng đầu tư cầm chừng, sử dụng đất không hiệu quả”, GS Võ nhấn mạnh.

Vị GS này chia sẻ, theo kinh nghiệm của các nước công nghiệp, thuế bất động sản được tính theo thuế suất cơ bản 1% tính trên giá trị đất đai theo thị trường, chiếm tỉ trọng 50%-90% nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đây là nguồn lực chính để phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng. Nguyên tắc họ đặt ra là nguồn thu chính cho địa phương đến từ đất, không đánh thuế cao vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm kích thích phát triển kinh tế.

Mỗi người sống tại đâu đều phải đóng góp thông qua thuế bất động sản để phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng. Mỗi địa phương phải thu ở mức đủ để tự phát triển trên đôi chân của mình theo hướng phù hợp với mức thu nhập của người dân.

Tại đô thị, giá bất động sản cao thì thuế đóng cao. Tại nông thôn, giá bất động sản thấp thì thuế đóng thấp. Mỗi người tùy theo khả năng thu nhập của mình mà lựa chọn nơi ở cho phù hợp.

“Thuế chính là công cụ hữu hiệu để điều chỉnh dòng người tự do tìm nơi cư trú. Công cụ thuế cũng tạo nên nguồn lao động chất lượng cao cho phát triển cả đô thị và nông thôn. Tại Việt Nam, thu thuế bất động sản hiện nay chỉ với thuế suất cơ bản 0,03% giá đất của nhà nước, tức là chỉ khoảng 0,01% giá đất thị trường. Tổng thu từ thuế sử dụng đất chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách từ đất, tức là chỉ chiếm 0,6% tổng thu ngân sách địa phương. So với các nước công nghiệp, quả là một trời – một vực”, GS Võ nhấn mạnh.

Trước hết, thuế đóng vai trò chặn sốt đất, ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ bất động sản (bao gồm cả đất đai) dưới dạng có bất động sản nhưng để hoang hóa, giữ đất nhưng đầu tư cầm chừng, sử dụng đất không hiệu quả. Ngoài ra, thuế bất động sản còn phải đóng vai của nhiều chính sách điều tiết khác nữa cho quá trình phát triển và nâng cấp đô thị.

Khi đầu cơ được kiểm soát, giá bất động sản sẽ giảm, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và dễ dàng tiếp cận nhà ở cho nhóm người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.

“Thuế bất động sản cũng đảm bảo chức năng thu giá trị bất động sản tăng thêm không do đầu tư của chủ sở hữu mang lại. Việc này sẽ ngăn chặn tình trạng sốt giá đất cục bộ xảy ra trong quá trình đô thị hóa như thành lập các khu kinh tế mới, chuyển từ huyện thành quận…, thông qua cách đánh thuế lũy tiến vào những trường hợp nhận chuyển nhượng rồi chuyển nhượng ngay trong thời gian ngắn. Tất nhiên, cải cách thuế bất động sản không chỉ nhằm mục tiêu tăng thuế mà phải xem xét điều chỉnh sao cho công cụ thuế đạt hiệu quả cao”, GS Đặng Hùng Võ cho hay.

Hồi đầu năm 2021, vị GS này cũng đã chia sẻ về thực tế sốt đất, và biện pháp nào để chặn cơn sốt. “Tôi nghĩ, để chặn cơn sốt đất, chỉ có sử dụng thuế BĐS. Đây là biện pháp chưa được dùng đến bao giờ tại sao nói dùng nhiều biện pháp mà đất vẫn không hạ sốt?”.

Vị chuyên gia này cho hay, sốt đất đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều ý tưởng về quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng đã được đưa ra. Điển hình là Thủ Đức, thành phố biển Cần Giờ và nhiều tuyến cao tốc huyết mạch tại TPHCM được đề xuất. Ở Hà Nội, quy hoạch thành phố Sơn Tây, thành phố Sông Hồng và các tuyến cao tốc cũng được đưa ra.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố cũng đề ra nhiều dự án lớn về sân bay, bến cảng, đô thị trong quy hoạch phát triển của mình như tại sân bay Long Thành (Đồng Nai), hay những cơn sốt đất đã xảy ra ở Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) là khi Nhà nước có chủ trương thành lập ba đặc khu hành chính – kinh tế…

Nguyên nhân thứ hai là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm giảm đáng kể đến thu nhập của người dân. Trong khi lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng chỉ ở mức 4%, gần ngang với tỷ lệ lạm phát cơ bản được phép, do đó nhiều người nghĩ tới giải pháp đầu tư bất động sản để tăng thu nhập. Nhu cầu tăng cao mà cung thấp cũng là nguyên nhân khiến cho những cơn sốt đất càng bùng lên cao hơn.

Ngoài ra, nguyên nhân đến từ giới đầu cơ, cò mồi đất vì trục lợi bất chính đã gây nhũng nhiễu thông tin, tung tin thất thiệt về pháp luật, về quy hoạch, tạo nên những cơn sốt đất ảo để lôi kéo mọi người tung tiền vào mua đất. Hoặc đôi khi chỉ nghe phong phanh là ý tưởng được đề xuất trong quy hoạch, cũng đã khiến cho giới buôn đất tung ra những chiêu trò để ăn chi phí môi giới đất trong chuyển nhượng đất.

Những cơn sốt đất, “thổi” giá khiến các nhà đầu tư “mắc cạn”, gây ra một thị trường bất động sản lộn xộn và khi đó nhóm những người đầu tư lướt sóng, nhanh nhạy “mua tranh, bán cướp” trước đó thì hưởng lợi, còn nhóm cò mồi với nhiều chiêu trò thì trục lợi bất chính.